Mắm ruột miền Trung
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, sông nước - biển khơi đã ban tặng cho chúng ta nhiều sản vật quý hiếm. Tùy theo phong thổ, tập quán mà từng vùng miền chế biến ra nhiều loại thực phẩm khác nhau. Riêng về loại mắm cũng có nhiều loại đặc trưng như ở Đồng bằng sông Cửu Long có mắm sặt, mắm ba khía, mắm lóc, mắm trê, mắm cá linh... Mỗi địa phương còn có loại mắm đặc trưng khác, như: Trà Vinh có mắm rươi, Bến Tre có mắm cua, Gò Công có mắm còng. Huế có mắm tôm, mắm ruốc, mắm nục, mắm cá chuồn... Đặc biệt Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định có mắm lòng (mắm ruột).
Mắm lòng một đặc sản quen thuộc của người miền Trung, được chế từ ruột con cá ngừ ở biển. Không như các loại mắm khác, mắm lòng không dùng tiền mà mua được vì không thể làm đại trà mà chỉ làm được khi những lần giăng lưới trúng cá ngừ. Chọn cá tươi loại 3- 4 ký rửa sạch, xẻ bụng lấy nguyên bộ đồ lòng, loại bỏ bao tử. Thái từng miếng nhỏ cho vào keo hay thố, tùy sở thích mặn lạt mà trộn với tỉ lệ 2 hoặc 3 lòng cá với 1 muối. Đậy kín đem phơi từ 3 đến 5 nắng là lòng vừa thấm đều chín ngấu thành mắm.
Ăn món này, ta cần: Một chén mắm lòng đen sóng sánh, thơm đậm, béo bùi. Một dĩa thịt ba chỉ (ba rọi) luộc. Một hỗn hợp cà, rau tươi. Lấy bánh tráng phết mắm lòng, thịt, rau, ớt, cuốn lại. Cũng có thể dùng bánh tráng trắng tinh nóng hổi cuốn bột tôm, rau sống, chấm vào chén mắm lòng với những lát ớt thái mỏng, ăn vào ngon đến "nhức răng". Món chấm, thì phi tỏi dầu cho thơm, lửa riu riu, đổ mắm vào, quậy đều cho nhuyễn, thêm ít đường, bột ngọt. Mắm chín thơm và béo, nghe mùi đã phát thèm!
"Tay bưng một dĩa mắm lòng
Vừa đi vừa bước ông ầm xuống mương"
Câu thơ dân gian trên đã diễn tả độ ngon của mắm lòng miền Trung. Vì thế, có dịp đến một trong các địa phương vừa nêu, bạn cần phải tìm thưởng thức hương vị của món ngon độc đáo này.
Theo Cần Thơ
Bánh tráng
Bánh tráng có từ lâu lắm, tương truyền khi dẫn quân thần tốc tiến ra Bắc người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã nghĩ ra cách để chế ra thứ lương khô quân vừa ăn vừa hành quân, không phải nấu nướng... Có lẽ ban đầu bánh tráng chỉ có một thứ nhưng nay thì bánh tráng đã phát triển dễ chừng có đến vài chục loại.
Ngày trước ở Bình Định, hầu như một gia đình nào ở nông thôn cũng đều có lò bánh tráng. Khi tráng bánh, người ta thường chọn một ngày thật nắng; tráng, phơi cả ngày; để dành ăn dần tới vài tháng. Mùa đông, khi chợ búa khó khăn, thứ lương khô này rất quan trọng.
Tráng cho xong chiếc bánh rất đơn giản. Nhưng để cái bánh vừa tròn vừa đều, kích cỡ, dày mỏng xêm xêm nhau lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Chỉ múc nhiều hoặc ít bột một tý, chiếc bánh sẽ to nhỏ không đều. Tráng không đều tay, chiếc bánh sẽ không tròn hoặc chỗ dày, chỗ mỏng… Chiếc bánh được vớt ra bằng chiếc que tre, trải tấm bánh vừa tráng xong lên vỉ cũng vậy. Động tác này chỉ được phép làm một lần, nếu đặt sai vị trí, gỡ ra đặt lại thì chiếc bánh sẽ bị rách. Khi phơi, làm sao cho bánh không bị cong cũng là một bí quyết. Những chiếc bánh tráng phơi khô, xếp lại một chồng được ràng (buộc) bằng dây chuối, vậy là được một ràng bánh tráng.
Ở Bình Định, bất cứ một cuộc giỗ chạp nào, trên bàn thờ cũng có đôi bánh tráng nướng. Các buổi tiệc, kể cả nhiều bữa ăn thường nhật, bánh tráng luôn là món "khai vị". Ăn bánh tráng cũng…khó lắm. Bánh tráng mỏng, nhúng nước xong, bẻ làm đôi hoặc làm tư. Một tấm bánh tráng nhúng cõng một miếng bánh tráng nướng. Ôi, cái âm thanh giòn rụm của bánh nướng giòn giòn như một thứ đặc sản âm thanh không phải ở đâu cũng có. Rồi là rau sống (mà rau sống Bình Định dễ có đến…hơn hai chục loại lá), sang trọng hơn thì đặt thêm miếng thịt luộc thái mỏng, thêm miếng bánh hỏi (cũng là đặc sản Bình Định)… Quấn thật đều tay, không to không nhỏ, chỉ vừa miệng ăn. Cuốn bánh này chấm với nước mắm Gò Bồi bỏ ít tỏi, ớt giã thật cay… Trời ơi là ngon!
Bây giờ người ta chế ra đến vài chục loại bánh tráng mè, bánh tráng mặn, bánh tráng nước dừa. (Ở xứ dừa Hoài Nhơn, người ta dùng nước cốt dừa thay nước lã để pha bột). Gần đây còn có cả bánh tráng... vuông, tráng bằng máy. Không có nắng vẫn làm được vì có thể dùng lò sấy. Loại bánh này dùng để xuất khẩu.
Bánh tráng Bình Định bây giờ đã có mặt trên cả nước. Người Bình Định nặng lòng với quê hương nên dù có xa xứ đi đâu, cũng vẫn mang theo nghề làm bánh tráng. Ở các bến xe, ga tàu của Bình Định, bánh tráng được bày bán rất nhiều; bánh tráng dừa được bày bán hai bên quốc lộ I đoạn Bồng Sơn- Tam Quan, như là một món quà Bình Định gởi đi cả nước.
Cách đây không lâu, Khách sạn bốn sao Sài Gòn-Quy Nhơn đặt Cơ sở bánh tráng Tư Nam ở Hoài Nhơn cung cấp cho nhà hàng. Vậy là, bánh tráng Bình Định đã "chen" được vào những nhà hàng sang trọng. Nhiều khách Tây, khách Tàu nghe chuyện cái bánh tráng thủ công gật gù thích thú và đặt khách sạn mua giùm để làm quà… Người ta không chỉ mua bánh tráng đâu nhé, người ta mua cả truyền thuyết ông vua - chiếc bánh - xứ dừa huyền thoại mà nhân viên khách sạn kể cho khách nghe đấy. Giá trị của ràng bánh bây giờ ngoài giá trị vật chất còn có cả giá trị tinh thần.
Oanh Lâm
Làm khách trên sân Long An: PISICO Bình Định có điểm!
Đối đầu với hàng tấn công đang thời kỳ tồi tệ nhất của Gạch Đồng Tâm Long An (GĐTLA) là hàng phòng ngự được đánh giá vững chắc nhất V-League 2006 cho đến thời điểm này, hy vọng PISICO Bình Định (P.BĐ) sẽ có điểm trên sân Long An.
Chưa bao giờ GĐTLA lại bị khủng hoảng lực lượng nặng nề như hiện nay. Tài Em, Minh Phương, Thanh Trúc, Lino, Carlos… đều đang trong tình trạng chấn thương khó có thể ra sân và nếu ra sân được cũng khó có phong độ để đảm đương đủ 90 phút thi đấu. Bên cạnh đó, ở trận tới gặp P.BĐ, GĐTLA cũng có đến 3 cầu thủ phải nghỉ vì thẻ phạt là Trương Văn Tâm, Công Hoàng và Minh Trí. Việc chắc chắn thiếu cùng một lúc cả Tài Em và Văn Tâm sẽ khiến hàng tiền vệ của GĐTLA gặp nhiều lúng túng trong bố trí lực lượng. Ở 4 lượt đấu trước, cũng vì tình trạng chấn thương và thẻ phạt, GĐTLA đã phải thi đấu bằng 4 đội hình khác nhau. Giờ đây, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện và hàng công của GĐTLA vẫn tiếp tục rơi vào giai đoạn tồi tệ.
Thi đấu 4 trận được 2 điểm với 2 bàn thắng cùng của Carlos, đang đứng cuối bảng xếp hạng là một kết quả tồi tệ của nhà đương kim vô địch nhưng còn tồi tệ hơn khi những đối thủ mà họ thua trận là Misustar Haier Hải Phòng và tân binh Khatoco Khánh Hòa.
Bước vào mùa bóng 2006, GĐTLA vẫn giữ nguyên đội hình của cú đúp vô địch năm 2005 mà không có một sự bổ sung đáng kể nào. Vũ khí lợi hại của GĐTLA ở mùa bóng trước là sự bất ngờ trong lối chơi, đặc biệt là lối chơi phòng ngự phản công với sự tuân thủ chặt chẽ đấu pháp cùng bộ đôi Antonio - Carlos lúc nào cũng chực nhả đạn! Giờ đây lối chơi này tỏ ra thiếu linh nghiệm bởi sau nhiều lần dính đòn "hồi mã thương" các đối thủ đã biết cảnh giác. Thêm vào đó, áp lực do vị trí chót bảng xếp hạng, những trận đấu tới đây, GĐTLA sẽ buộc phải bố trí đội hình tấn công. Và đó cũng chính là cơ hội để P.BĐ sử dụng "đòn phản công cù nhầy" đánh vào tinh thần cầu thủ GĐTLA và chờ sơ hở tung đòn quyết định.
Về phía P.BĐ, trong trận đấu này cũng mất 3 cầu thủ quan trọng do dính thẻ là Văn Dũng, Văn Hiển và Issawa. Mất những trụ cột này, lối chơi phòng ngự của P.BĐ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, may mắn các vị trí này đều đã có những cầu thủ thay thế xứng tầm mà khả năng sẽ gồm: Ngọc Hưng, Ngọc Bảo, Ekpe…
Cuộc chiến đấu giữa đội nhất và đội chót bảng xếp hạng, xét trên mọi bình diện, các cầu thủ của HLV Dương Ngọc Hùng có vẻ thoải mái hơn nhiều dẫu phải chơi trên sân khách.
Nếu có giải pháp đúng, P.BĐ dễ có điểm, không chừng lấy trọn 3 điểm !
Quang Khanh
Huyện Hoài Nhơn
Hoài Nhơn được mệnh danh là "Đất mẹ anh hùng" với niềm tự hào của bao thế hệ về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Tháng 8-1930, Chi bộ Đảng Cộng Sản được thành lập ở thôn Cửu Lợi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên mảnh đất này liên tục nổ ra các phong trào đấu tranh cách mạng. Trong hòa bình xây dựng quê hương, Hoài Nhơn là địa phương phát triển kinh tế, xã hội năng động phía bắc tỉnh.
* Vị trí địa lý và vài nét lịch sử
Nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định, Hoài Nhơn là huyện duyên hải, phía bắc giáp huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), phía nam giáp huyện Phù Mỹ, tây giáp 2 huyện An Lão, Hoài Ân, đông giáp biển Đông. Lại Giang là con sông lớn của tỉnh Bình Định chảy ra biển hình thành cửa biển An Dũ, vùng phía bắc có dãy núi Sa Lung, nơi xảy ra nhiều trận đánh thời Tây Sơn với quân nhà Nguyễn và sau này là vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ của quân dân Hoài Nhơn.
Hoài Nhơn có diện tích tự nhiên không rộng (41.641 ha), nhưng có cấu tạo địa lý khá đa dạng, có cả đồng bằng, trung du, ven biển và thị trấn Bồng Sơn sầm uất. Cũng như vùng đất Bình Định và nam Trung Bộ, xưa kia Hoài Nhơn thuộc đất Việt Thường Thị, sau đó là Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, rồi Tường Lâm thuộc Nhật Nam, Chiêm Thành. Đời nhà Lê, niên hiệu Hồng Đức, đã đặt tên phủ là Hoài Nhơn, gồm 3 huyện (Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn).
Trong thời kỳ thực dân phong kiến cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Hoài Nhơn đã thể hiện cao độ tinh thần yêu nước và cách mạng, nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã nổ ra, chống dồn dân lập ấp… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hoài Nhơn đã không tiếc máu xương, đưa con em lên đường tham gia cách mạng, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến thắng lợi.
Hoài Nhơn là huyện có nhiều lợi thế về giao thông, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua. Từ thị trấn Bồng Sơn có hệ thống các tỉnh lộ lên huyện An Lão, Hoài Ân đã được trải thảm bê tông rất thuận lợi. Ngoài hệ thống sắt, đường bộ, Hoài Nhơn còn có bờ biển dài 24km, hai cửa biển chính là Kim Bồng (Tam Quan); An Dũ (Hoài Hương) rất thuận tiện cho việc lưu thông tàu thuyền.
Hoài Nhơn là huyện có nhiều lợi thế về giao thông, có Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua. Từ thị trấn Bồng Sơn có hệ thống các tỉnh lộ lên huyện An Lão, Hoài Ân đã được trải thảm bê tông rất thuận lợi. Ngoài hệ thống sắt, đường bộ, Hoài Nhơn còn có bờ biển dài 24km, hai cửa biển chính là Kim Bồng (Tam Quan); An Dũ (Hoài Hương) rất thuận tiện cho việc lưu thông tàu thuyền.
* Xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội
Từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn đã khắc phục dần hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng lại quê hương. Thế mạnh kinh tế của Hoài Nhơn tập trung chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và kinh tế biển. Trong đó, kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng. Với 15.210 ha đất nông nghiệp hiện có, trong nhiều năm qua người dân Hoài Nhơn đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất đưa ngành nông nghiệp phát triển mạnh. Nhiều loại giống cây trồng mới được huyện đưa vào sản xuất, tiến hành xây dựng tu sửa lại hệ thống đập dâng sông Lại cùng 17 hồ chứa nước lớn nhỏ để chủ động tưới cho hơn 70% diện tích gieo trồng của huyện. Những cố gắng đó đã góp phần tăng năng suất cây trồng và đưa tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên 64.915 tấn năm 2002, tăng gấp 2,2 lần so với năm 1975, tổng đàn trâu, bò của huyện đạt 23.836 con và đàn heo đạt 113.870 con, trong đó bò lai và heo lai kinh tế chiếm từ 52% đến 96,6% tổng đàn. Hoài Nhơn còn là xứ dừa với diện tích dừa hiện có: 3.578 ha, với khoảng 580.000 cây cho trái quanh năm. Hàng ngàn ha đất trống, đồi núi trọc trước kia nay đã được phủ xanh bằng bạt ngàn rừng bạch đàn, keo lá tràm từ các dự án PAM, 327.
Đánh bắt thủy-hải sản là thế mạnh kinh tế thứ hai đưa Hoài Nhơn phát triển. Từ một ít thuyền nan và phương tiện đánh bắt thô sơ, lạc hậu thời kỳ đầu sau giải phóng, đến nay đội tàu thuyền của huyện đã có 1.962 chiếc, tổng công suất 103.445 CV đủ sức vươn khơi xa tới khắp mọi ngư trường, nâng sản lượng đánh bắt của toàn huyện lên 21.563 tấn/năm, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1975. Nhiều sản phẩm thủy-hải sản nổi tiếng của huyện như: cá ngừ địa dương, cá chuồn, mực, tôm… đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu có giá trị sang các thị trường lớn của thế giới như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc…, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế địa phương. Phong trào nuôi tôm ở Hoài Nhơn hiện cũng đang phát triển khá mạnh, đến nay toàn huyện có 235 ha mặt nước nuôi tôm với năng suất trung bình hàng năm gần 1 tấn/ha.
Cùng với nông nghiệp và ngư nghiệp, các nghề thủ công truyền thống đã góp phần tô đậm bức tranh kinh tế Hoài Nhơn. Những làng nghề truyền thống vốn một thời nổi danh được nhiều người biết đến như chế biến mỳ, chế biến thủy hải sản, dệt chiếu, ươm tơ dệt lụa, đồ gốm, rèn, mộc, khai thác đá ong, đá chẻ, sản xuất gạch ngói… đã góp phần giải quyết hàng ngàn lao động. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của Hoài Nhơn khá quen thuộc với người tiêu dùng trong nước như bánh tráng nước dừa, thảm xơ dừa, vi cước cá, nước mắm…. Mới đây, cơ sở chế biến nước mắm Như Hoa tham gia triển lãm sản phẩm mới-công nghệ mới tại Hà Nội được Bộ Công nghiệp tặng huy chương vàng chất lượng cao.
* Những thành tựu qua một chặng đường
Thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoài Nhơn là giao thông. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đã được bê tông hóa với tổng chiều dài 82,2 km và hệ thống cầu cống gần như đã được xây dựng vĩnh cửu, góp phần bảo đảm thông thương thuận lợi đến tận từng thôn, xóm, khối phố thay dần những con đường gập ghềnh, lầy bụi xưa kia. Cùng với hệ thống đường sá được chỉnh trang tu sửa, mạng lưới điện được kéo về phục sinh hoạt và phát triển sản xuất. Đến nay mạng lưới điện quốc gia, hệ thống điện thoại, truyền thanh-truyền hình đã phủ khắp 100% số xã, trị trấn; 97% số hộ được dùng điện; phương tiện nghe nhìn trong nhân dân phát triển mạnh, góp phần thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức thụ hưởng văn hóa nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn.
Do kinh tế phát triển, đời sống nông dân của người dân ngày càng nâng cao, hệ thống y tế, giáo dục của huyện ngày càng được hoàn thiện. Từ hai phòng khám thiếu thốn phương tiện với 40 giường bệnh, vài bác sĩ trong những năm đầu sau giải phóng, đến nay huyện đã có một bệnh viện tuyến tỉnh, một trung tâm y tế, 1 phòng khám khu vực và hệ thống trạm y tế ở khắp 100% số xã, thị trấn. Toàn huyện có 79 bác sĩ, 219 nhân viên y tế, trong đó có 15 bác sĩ ở tuyến xã và 167 nhân viên y tế thôn, khối, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng lên đáng kể. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đã phát triển vượt bậc. Hàng ngày, hơn 49.600 học sinh phổ thông các cấp trong huyện cắp sách đến trường ở những ngôi trường tầng xây, ngói đỏ khang trang, sạch đẹp, không còn những lớp học 3 ca, tranh tre, mái lá ngày nào. Hoài Nhơn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và đang phấn đấu hoàn thành phổ cập THCS trước năm 2004.
Là một huyện có truyền thống cách mạng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng với chặng đường gần 30 năm nỗ lực xây dựng phát triển, Hoài Nhơn đã đạt được những thành tựu khá quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, tạo tiền đề cho vùng đất mẹ anh hùng phát triển trong tương lai.
Nguyễn Hân
Bún số 8 Tam Quan
Xã Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) là nơi nổi tiếng về nghề thủ công chế biến các loại thực phẩm như bánh tráng, bánh tráng dừa, bánh canh, bánh ú và bún số 8, từ bột củ mì.
Bún số 8 không phải bằng bột gạo mà thuần khiết bằng bột mỳ (sắn), loại bột nhất. Vậy mà sợi bún vẫn dẻo dai, săn chắc chứ không bở tơi như củ mì luộc. Được vậy chính là nhờ "nghệ thuật" đánh bột. Người ta hòa bột mỳ với nước theo tỷ lệ riêng, bắc chảo lên bếp vừa đun vừa quậy, gọi lấy trùng. Phải quậy luôn tay, đun nhỏ lửa, sao cho bột đặc lại nhưng không chín không sống. Chín, sợi quá dai, mất ngon. Sống, bún sẽ bở tơi, đứt hết. Khi vừa độ, bắc xuống đất, lấy dầm hay mái chèo đánh kỹ cho thật nhuyễn, thật dẻo rồi cho vào khuôn ép. ép đến đâu có người đưa vỉ hứng đem ra phơi đến đấy. Trước đây, khi ép bún phải vài ba người đánh đu vào cần đòn bẩy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Nay cải tiến quay bằng tời, chỉ một người điều khiển cần ép vẫn nhẹ nhàng. Phơi sợi bún sao cho vừa "rôn rốt" thì cuộn từng bó theo hình số 8 để bún không gẫy, rồi lại phơi tiếp cho thật khô. Mỗi cuộn độ 2 lạng.
Nếu nhà có 4 lao động chính chuyên đánh bột, lấy trùng, ép bún và mấy cháu nhỏ phụ đội vỉ đi phơi thì mỗi ngày ép được 100 kg bột tươi. Phơi khô còn độ 60 kg bún. Bán sỉ cho người buôn lấy tại nhà, giá 2.300 đ/kg để đưa đi tiêu thụ khắp trong Nam ngoài Bắc. Làm bún số 8 khá nặng nhọc, nhưng ngày công lao động chính cũng chỉ được 4.000 đồng và cơm nuôi. Ở Tam Quan có vài chục gia đình làm bún số 8. Nhiều nhà làm đã mấy chục năm nhưng họ chỉ đủ ăn chứ chưa thấy ai khá giả.
(Sưu Tầm)
Bòng Bồng Sơn
Ai về Phụ Đức, Trung Lương
Ai lên Thế Thạnh - An Thường buôn tơ
Tiện đường xin chớ làm ngơ
Cho em gửi một bức thơ thăm chồng
Nhớ nhau như bưởi nhớ bòng
Ngoài tuy xanh vỏ, đỏ lòng anh ơi!
Câu ca dao này chắc của cô gái xứ bưởi gửi cho chồng ở quê lụa. Thế Thạnh - An Thường là hai thôn thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, ngày trước nổi tiếng về nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Qua khỏi cầu Phong Thạnh chỗ bệnh viện huyện Hoài Ân bây giờ, vùng đất đông dân, trù phú, có tên xóm Cửi là trung tâm dệt lụa một thời. Tiếc rằng ở đây đã bị mai một! Còn Phụ Đức và Trung Lương ngoại vi thị trấn Bồng Sơn thuộc huyện Hoài Nhơn lại nổi danh về bòng.
Dọc quốc lộ 1A từ Nam ra, khi xe qua khỏi cầu Bồng Sơn, thế nào xe cũng dừng lại ít phút để bà con hành khách mua dăm quả bòng về làm quà. Những đôi giỏ gánh đặt sát vệ đường đựng đầy bòng, quả nào quả nấy tròn lẳn, màu xanh lợt nám vàng, to bằng quả dừa xiêm, cuống điểm vài chiếc lá tươi xanh đậm chứng tỏ chúng vừa được mới hái sáng nay! Để cho tiện cũng có một vài chỗ gọt sẵn, cơm bòng phô màu hồng tươi hoặc hồng nhạt người ta gọi bòng điều, cơm trắng tinh gọi bòng nếp. Các tép bòng mọng nước ẩn hiện dưới lớp cơm sao mà quyến rủ! Bòng ở đây độ ngọt vừa đủ, pha vị chua thanh, người ta gọi chín cam một chanh là vậy, đặc biệt không đắng, không the. Cầm múi bòng khi đã lột sạch sẽ chấm với chút muối ớt (mấy người bán bòng mang sẵn) bỏ vào miệng. Ngọt, chua, cay, mặn thật là khoái khẩu. Đố ai khi thấy không nuốt nước bọt. Thỉnh thoảng cũng có năm bảy quả to bằng trái bóng chuyền, da sần sùi, cơm xốp hương vị tuyệt vời có tên thanh trà, ngon hết sẩy (khác với thanh trà Huế quả nhỏ, vị ngọt thanh). Giá cả có hơi cứng một chút nhưng khách sành điệu khi thấy thanh trà ít bỏ qua! Các bạn là người ưa lai rai? Đĩa nộm trộn vài múi bòng làm mồi đưa cay càng thêm đậm đà.
Một điều muốn mách nhỏ cùng bạn là các cô gái bán bòng thường là chủ vườn, tiếng mời chào ngọt ngào, cử chỉ khoan thai, e ấp, giá cả linh động càng làm quả bòng thêm quý thêm ngon!
Nhà thi đấu đa năng và những nhìn nhận bước đầu
Năm 2001, Sở TDTT, được sự cho phép của UBND tỉnh, đã thực hiện chương trình xây dựng mỗi năm 2 nhà thi đấu (NTĐ) đa năng cho các huyện trong tỉnh. Theo đó, tùy vào tình hình thực tế của các huyện mà Sở TDTT sẽ bố trí xây dựng huyện nào trước, huyện nào sau.
Kinh phí được UBND tỉnh hỗ trợ là 500 triệu đồng/1 NTĐ đa năng. Đầu tiên là huyện Hoài Nhơn, tiếp theo là Vân Canh, Hoài Ân và Tuy Phước. Cho đến thời điểm này, có NTĐ đã được đưa vào sử dụng hơn 2 năm (Hoài Nhơn), có NTĐ được đưa vào sử dụng vài tháng (Tuy Phước) và nhìn chung các NTĐ này đã mang lại những kết quả khả quan.
Lợi ích đầu tiên mà các NTĐ mang lại đó là: các huyện có điều kiện về cơ sở vật chất tốt để có thể tổ chức tập luyện, thi đấu các bộ môn như: bóng bàn, cầu lông, bóng đá mini, bóng chuyền… bất kể thời tiết như thế nào.
Rõ ràng được tập luyện, thi đấu trong một điều kiện sân bãi tương đối chuẩn như NTĐ đã giúp các VĐV phát huy hết khả năng của mình. Chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Bồng Sơn, cho biết: "Em rất yêu thích bộ môn cầu lông, nhưng trước đây do không có nhà thi đấu nên em và mọi người tập luyện chủ yếu ở các sân ngoài trời, gặp hôm trời nắng ráo, lặng gió thì chơi tốt, bằng ngược lại thì rất khó chơi, nhưng bây giờ đã khác rồi, em đăng ký tập luyện ở NTĐ nên việc nắng, mưa, gió lớn không quan trọng...".
Với những người làm công tác chuyên môn của ngành TDTT ở huyện thì đây là điều kiện tốt để họ tuyển chọn những VĐV xuất sắc cho đội tuyển của huyện mình, đồng thời có cơ hội nâng cao chất lượng chuyên môn. Anh Võ Chí Hà, cán bộ Trung tâm VHTT-TT huyện Hoài Ân cho biết: "Từ khi NTĐ được đưa vào sử dụng, phong trào chơi TDTT ở địa phương tiến bộ rõ rệt, những người làm công tác chuyên môn của huyện có thể đến NTĐ để tìm cho mình những VĐV có tố chất kỹ thuật tốt, rút về đội tuyển của huyện và tiếp tục đào tạo, chứ trước đây việc tìm kiếm VĐV năng khiếu khá vất vả vì những người tập luyện TDTT thường không tập trung...".
Tuy nhiên, cũng qua một thời gian đi vào hoạt động, các NTĐ cũng còn không ít vướng mắc. Phần lớn các NTĐ đều chưa có các công trình phụ như: nhà vệ sinh, phòng thay đồ... Với khoản kinh phí 500 triệu mà tỉnh hỗ trợ, nhiều huyện phải bỏ ra thêm vài trăm triệu nữa nhưng cũng chỉ đủ để hoàn thành phần cơ bản của NTĐ, chứ không đủ cho các công trình phụ. Thậm chí việc tường rào, cổng ngõ để bảo vệ cơ sở vật chất bên trong của NTĐ vẫn chưa có. Vấn đề khó khăn thứ 2 là NTĐ chỉ có thể thu hút được những người sống gần nơi xây dựng NTĐ, ví dụ như NTĐ Hoài Nhơn thì chỉ thu hút được người dân ở thị trấn Bồng Sơn, xa hơn tý nữa thì cũng chỉ đến Hoài Đức, Hoài Xuân... NTĐ Hoài Ân thì chủ yếu là người dân ở thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Có lẽ trong thời gian tới, khi tiếp tục xây dựng NTĐ ở các huyện khác, Sở TDTT cùng với địa phương cần phải tính toán đến những vấn đề vướng mắc trong việc xây dựng các công trình phụ, đồng thời các địa phương cần có kế hoạch để NTĐ phát huy tác dụng tốt hơn nữa.
Công Tâm