Thursday, April 14, 2005

Lại Dương Giang (# 2)

Khúc sông đẹp nhất của Lại Giang có lẽ là bến đò Trung Lương.


Bến đò Thiện Chánh (Hoài Nhơn).

Ở đây nước không bao giờ cạn, mùa nắng cũng như mùa mưa. Và nước sông trong xanh như chàm đổ và im lặng như mặt hồ thu. Những khóm tre ở hai bên bờ, không biết nhờ giống tốt hay nhờ thủy thổ, thân cao lớn và sắc xanh hơn tất cả tre ở nơi khác trên sông. Khách đi đường xa trong những ngày nắng gắt, bước chân đến đây, hứng khí mát, nhìn phong cảnh "dễ thương", thì dù mệt mỏi đến đâu, thâm tâm tự nhiên cũng thấy khoan khoái.

Và nơi đây thời kỳ kháng chiến (1946-1954) còn để lại một câu chuyện khá vui.
Nguyên trong vùng có một nhà giáo rất sợ nước. Quanh năm lúc nào ngứa ngáy lắm mới lấy khăn ướt lau sơ qua. Một hôm nhà giáo đi qua cầu bắt ngang một con mương từ Lại Giang chảy vào xóm. Cầu bắt bằng hai cây tre, gập ghềnh gập gữ. Nhà giáo sơ ý bị rơi xuống mương, lấm hết. Vì nước mương không được sạch, nhà giáo buộc lòng phải tắm. Thiên hạ cho là một chuyện lạ kéo nhau đi xem! Câu chuyện không mấy lúc được lưu truyền. Một nữ cán bộ đi ngang qua đò Trung Lương nghe câu chuyện, cười ngắt nga ngắt nghẻo đến nỗi té ùm xuống sông…

Nhân câu chuyện đã vui, hai nhân vật lại có tên đẹp nên Quách Kiến Đạo có câu thơ rằng:

Lại giang để tiếng về sau
Chuyến đò Lệ Hải, nhịp cầu Ngô Uyên.

Từ Trung Lương đến Bồng Sơn bờ xe nước có ít, nên có bãi cát rộng. Người ở gần bờ sông hay ra đó làm việc "mất vệ sinh". Thời bấy giờ có một "vè sĩ" bút hiệu Nguyễn Đình làm bài vè "Vàng nhà nông" được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen thưởng.

Đi ngang qua bãi sông Lại Giang, trông thấy cảnh tượng, sực nhớ đến thơ "phục vụ giai đoạn" anh chàng Kiến Đạo nói trên cũng có một câu thơ nữa rằng:

Vệ sinh hàng xóm hững hờ,
Đi ngang bãi rộng nực thơ Nguyễn Đình.

Trên sông Lại Giang, tại Bồng Sơn, có hai cầu dài, một cầu xe hơi và một cầu xe lửa. Hai cầu này thời chiến tranh đã bị phá hủy, và mới xây lại sau này.

Đi ngang qua cầu, những bạn lưu tâm đến lịch sử cận đại đều căm giận lòng độc ác của Nguyễn Thân.
Nguyễn Thân là người của đảng Cần Vương, sau phản đảng theo Pháp. Để lập công danh, Nguyễn Thân đã sát hại không biết bao nhiêu người ái quốc và chiến sĩ chống Pháp. Năm Nhâm Thân (1886), Nguyễn Thân từ Quảng Nghĩa kéo quân vào đánh úp nghĩa quân Bình Định đóng tại Bồng Sơn. Nghĩa quân bị tử trận và bị bắt sống, có mấy trăm người. Nguyễn Thân sai chặt đầu hết đem treo hai bên đường và hai bên cầu còn xác thì đem phơi trên bãi cát Bồng Sơn.

Một nhà châm phúng bảo:
- Đáy sông Lại Giang nhiều bùn là do xương máu của thời loạn.

Nhưng có riêng gì Lại Giang mới có tay người lây bẩn. Chính sông Côn trong trẻo kia cũng đã có lần vẩn đục vì cốt nhục tương tàn. Đó là thảm cảnh năm Mậu Ngọ (1798). Nguyễn Quang Toản, con vua Quang Trung, đã bắt Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức, dìm xuống sông Côn để củng cố ngai báu!

Như thế làm hoen ố non sông là bọn người săn đuổi công danh, ham hố quyền vị, những bọn người mượn tiếng vì dân vì nước để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Nhưng trên đất nước Việt Nam thân yêu nói chung, và Bình Định nói riêng, đâu phải chỉ có hạng người đó, Côn Giang đã từng soi bóng tam kiệt nhà Tây Sơn, nữ kiệt Bùi Thị Xuân, anh hùng Mai Xuân Thưởng, văn hào Đào Tấn, kỳ sĩ Nguyễn Trọng Trì… thì Lại Giang vẫn còn để dấu Đào Duy Từ , một tay kinh luân lỗi lạc, Đặng Đức Siêu một trang hàn mặc siêu quần, Tăng Bạc Hổ , một nhà Cách mạng tiền bối đã đem đường mở lối cho cuộc Đông Du v.v…

Nói đến Côn Giang , Lại Giang, không mấy ai quên nhắc đến các nhân vật ấy và nói đến các nhân vật ấy, không mấy ai quên nhắc đến Lại Giang, Côn giang.
Và cũng như Côn Giang, Lại Giang là một con sông có nhiều cá. Giống cá có tiếng ở Lại Giang là giống cá Bống Cát tên chữ gọi là Sa Ngư.

Cá Bống thịt trắng và thơm. Cá bống Lại Giang còn thêm chất béo. Cá con con lớn bằng cườm tay người lớn, trắng như mụt măng lột hết vỏ. Trong ruột đầy cả mỡ. Kho với tiêu thì mùi thơm ngon bay ra, đến cả những bạn ăn chay trường lâu ngày, nhiều khi muốn trở ăn mặn.

Cá Bống Lại Giang, lớn con và ngon nhất là cá ở trên hai nhánh Kim Sơn và An Lão.
Thời phong kiến, trên hai nhánh An Lão, Kim Sơn có một số gia đình ngư phủ hợp thành làng gọi là Bình Giang.
Dân làng Bình Giang lấy nước làm đất, lấy thuyền làm nhà. Nay ở trên khúc sông này, mai sang khúc sông khác ở trong vùng. Trong làng cũng có đặt ngũ hương và lý trưởng như các làng trên "lục địa". Khi "quan trên" có việc gì sai khiến thì đến nơi Đồng Dài tại bãi sông Kim Sơn, cắm một cây gậy buộc một chiếc khăn trắng làm dấu hiệu. Người làng trông thấy sẽ báo cho lý hương biết để xuống huyện nhận chỉ thị.

Dân làng cũng phải đóng thuế đinh. Đóng cả thuế "điền" nữa. Nhưng "thuế điền" đây là thuế đánh cá hằng năm, giá biểu do chánh quyền địa phương định. Ngoài thuế ra, làng Bình Giang, đến mùa cá bống, phải đem nạp cho huyện sở tại một số cá, lựa những con to béo nhất, để đem ra Huế dâng lên vua. Cá ấy gọi là "Bình Giang Sa Ngư". Chỉ nghe tên gọi cũng đủ thấy ngon lắm vậy.

Đó là một đặc điểm của Lại Giang. Các bạn "Dân Thiên" tưởng cũng nên biết khi đến viếng Lại Giang.

Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn

Tuesday, April 12, 2005

Lại Dương Giang (#1)

Lại Dương Giang thường gọi tắt là Lại Giang cũng nhiều khi gọi là sông Bồng Sơn.

Lại là nhờ cậy, là lợi ích.
Dương là khí dương, tức khí ấm.

Mệnh danh cho sông là Lại Dương, không biết cổ nhân có thủ nghĩa gì cao xa hay không, chưa ai giải thích được đích xác.
Chỉ hiểu tàm tạm rằng Lại Dương Giang là con sông nương vào khí dương để đem phồn thịnh vào cho xứ sở.

Sông đã được liệt vào hàng Đại Giang và được ghi vào Tự Điển năm Tự Đức thứ 3 (1850).

Sông có hai nguồn:
- Nguồn An Lão từ Bắc chảy vào.
- Nguồn Kim Sơn từ Nam chảy ra.

Do đó ca dao Bình Định có câu:
Nước nguồn hai ngọn giao chi
Bồng Sơn hai huyện thiếu gì vợ anh.

* Nguồn An Lão.

Cũng thường gọi là sông An Lão.
Nguồn này là hai ngọn:
- Một ngọn từ Ba Tơ tỉnh Quảng Nghĩa chảy vào, gọi là Nước Dinh. Dài độ vài chục cây số.
- Một ngọn chạy từ phía Tây chảy xuống, gọi là Nước Teup, dài cũng độ vài chục cây số.

Vì Nước Dinh chảy qua vùng Nước Trong, Nước Teup chảy qua vùng Nước Trắng, nên nguồn Nước Teup, Nước Dinh cũng có tên là nguồn Nước Trong, Nước Trắng. Hai tên này có phần thông dụng hơn hai tên kia.
Hai ngọn hợp nhau lại tại Nước Giao thành nguồn An Lão.

Nguồn An Lão chạy thẳng ra hướng Nam, chừng chín, mười cây số thì gặp suối gọi là Nước Săng từ Tây chảy xuống và dài đến 14,15 cây số. Hợp với Nước Săng, nguồn chạy 14 cây số nữa đến Thanh Lương thì gặp Nước Trop từ Tây Bắc chảy vào Đông Nam dì chừng tám, chín cây số.

Nhờ những phụ lưu kể trên mà nguồn An Lão mỗi lúc mỗi thêm nhiều nước. Và ngoài những suối lớn ấy, nguồn còn tiếp nhận nước của các khe, các suối nhỏ ở hai bên bờ phía Đông, phía Tây.

Nhân có ngọn nguồn từ Ba Tơ chảy vào, thời Cần Vương còn để lại một câu hát mang màu sắc thời đại:

Nước Ba Tơ chảy vô Bình Định,
Nhắn bạn thân tình tránh nịnh chớ theo.

Nịnh đây là ám chỉ Nguyễn Thân, Tiểu Phủ sứ trấn giữ trấn vùng núi Đá Vách Ba Tơ. Nguyễn Thân đã phản lại quyền lợi quốc dân mà theo giặc Pháp, sát hại nghĩa quân Cần Vương không biết bao nhiêu!
Và nơi nguồn An Lão đây vẫn còn ôm ấp xương máu của nhiều nhà chiến sĩ Cần Vương lên lánh nạn Nguyễn Thân.

Chuyện xưa để đó. Chúng ta trở lại cùng nguồn An Lão hiện nay.

Nguồn An Lão chảy đến Thanh Lương, sau khi tiếp nhận Nước Trop, thì quẹo xuống Đông Bắc. Chảy độ ba cây số đến Tư Đức, lại gặp Nước Lại Đức từ Phước Đính ở phía Bắc chảy vào (dài độ sáu cây số).
Tại Tư Đức nguồn lại quay xuống Đông Nam, độ chừng sáu cây số, thì đến Phú Văn, gặp nguồn Kim Sơn từ Tây Nam chảy đến.

* Nguồn Kim Sơn.

Cũng thường gọi là sông Kim Sơn.

Nguồn này cũng có hai ngọn như nguồn An Lão:
- Một ngọn từ vùng An Lão chảy vào, dài chừng 24, 25 cây số, gọi là Nước Lương.
- Một ngọn từ phía Nam chảy ra, dài chừng 10, 12 cây số. Gọi là Nước Lăng hay Nước Roong.

Sau khi tiếp nhận nhiều suối khe ở hai bên bờ rót vào hai ngọn hợp nhau tại Xuân Sơn, thành nguồn Kim Sơn chạy xuống Đông Bắc, đến Phú Văn để gặp nguồn An Lão.

Từ Xuân Sơn đến Phú Văn, nguồn Kim Sơn dài chừng vài chục cây số, chuyển mình khi vào Nam, khi ra Bắc, khi xuống Đông, quanh co đoanh lộn, như một con thanh xà chạy trong hòn giả sơn.
Nguồn An Lão và nguồn Kim Sơn họp nhau ở cuối thôn Phú Văn, thành hình chữ V rất cân đối, cân đối từng khúc quanh, đường quẹo, như hai nhánh cây kiểng được tay người uốn nắn công phu. Hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch của sông Côn trông đã đẹp, mà hai nhánh An Lão và Kim Sơn trông lại còn đẹp hơn, duyên dáng hơn. Vì nhánh sông của sông Côn là hình chữ V viết theo lối Cổ Điển, ngay thẳng mạnh mẽ. Còn hai nhánh Kim Sơn An Lão là chữ V viết theo lối Tài Tử, phụng múa rồng bay. Chính những đường quanh co, khúc đoanh lộn làm cho phong cảnh thêm vẻ lưu luyến hữu tình.

Từ nơi Giao Thủy (Phú Văn) sông chảy xiêng xiêng về hướng Đông Bắc, được chừng bốn cây số, qua khỏi cầu Bồng Sơn, thì chuyển mình vào Đông Nam. Vào chừng một cây số đến Định Bường thì quày ra Đông Bắc trở lại. Đi chừng năm cây số nữa lại quẹo vào Đông Nam một lần thứ hai, quành một vòng xuống vào cửa An Giũ.

Từ Phú Văn đến An Giũ sông dài chừng 14, 15 cây số, tính cả những khúc quẹo đường cong.
Lòng sông có chỗ rộng đến tám trăm thước. Nhưng bãi cát chiếm hơi nhiều. Cửa sông cũng không được rộng, cũng không được sâu, nên thuyền trọng tải không lưu thông được dễ dàng.
Xuống khỏi Bồng Sơn độ một cây rưỡi số, sông tách ra một nhánh nhỏ, ở bờ phía Bắc, tại thôn Trung Yên. Nhánh này chảy ra Tam Quan, song song cùng Quốc lộ 1.

Đó là một nhánh sông đào. Đến vùng Tài Lương thì dứt. Dài chừng chín, mười cây số thôi.
Cũng trong vùng Tài Lương, phía Tây đường Quốc lộ số 1 có hai bàu nước, một hình bầu rượu, cổ trở ra Bắc, một hình dằng xay, nằm theo hướng Tây Đông, ở phía Nam bàu trước. Hai bàu hợp lại trông giống hình chữ Sơn là núi. Một con mương nhỏ chạy từ Nam ra Bắc rồi chuyển xuống Đông để nối hai bàu này vào con sông đào kia, và làm cho mạch nước không bao giờ cạn. Ao đó gọi là Giao Trì.
Khi gần đến biển, cũng phía hữu ngạn, sông còn tách ra một nhánh nhỏ nữa chạy dưới chân hòn Hương Sơn. Nhánh này xưa là một cái bàu gọi là Bàu Tượng bị lấp mà trở thành, chiều dài độ ba cây số, và khi gần tới biển lại chạy trở lại vào lại sông Cái.

Trên sông Lại Dương (cả sông cái lẫn hai nhánh) cứ mỗi đoạn chừng vài ba trăm thước thì có một bờ cừ ngăn nước để xe đem vào ruộng. Mùa đông lụt lội, xe nước dỡ cất, bờ cừ bị trôi hoặc bị phá. Không có gì ngăn cản, nên hết lụt lội rồi thì lòng sông nhiều nơi bày cát. Đến mùa nắng, các bờ xe đắp lại, nước đầy nhẫy cả sông. Cho nên trong mùa nắng Lại Giang trong xanh lặc lìa, và hai bên bờ xe nước chạy phun những vòi nước trắng xóa theo những tiếng xe chạy đều đặn và dẻo dai. Quang cảnh cựu kỳ thanh tú.

Tuy chảy song song cùng Côn Giang, mùa nước của Lại Giang như thế là trái hẳn với Côn Giang. Sông Côn, mùa mưa thì nước khỏa bờ, đứng bên này trông sang bên kia, không phân biệt được dê và ngựa. Còn mùa nắng thì dù cầm vàng lội qua cũng không sợ trôi mất. Cho nên người Bình Định có câu:

Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Dòng sông Côn lai láng mùa mưa.

Đứng trước sự trái ngược thường xuyên của phong thủy, người Bình Định đã rèn được tánh thản nhiên trước cảnh điên đảo của cuộc đời. Hễ khi gặp việc nghĩa đáng làm thì cứ làm, gắng sức làm, vững chí làm, làm cho tròn nghĩa vụ, còn kết quả nên hay hư là việc phụ, không đáng quan tâm. Bởi vậy sau hai cây tả cảnh sông Côn và Lại Giang, người Bình Định nối thêm chút lòng nữa, rằng:

Đã cam tháng đợi năm chờ,
Duyên em đục chịu, trong nhờ, quản bao.

Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)