Friday, February 11, 2005

Cổ nhơn: Trò chơi dân gian và trí tuệ

Không biết từ bao giờ, người dân thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) đã quen với trò chơi cổ nhơn trong ngày tết cổ truyền, thiếu nó như thiếu bánh tét, bánh chưng, hoa mai vậy. Những người già kể lại rằng, trò chơi cổ nhơn bắt đầu từ trong cung vua. Đầu năm trong hội xuân, vua ra một bài thơ, quần thần đọc và đoán ý, ai đoán đúng được thưởng. Trò thả thơ dần dần được lưu truyền ngoài dân chúng và biến đổi thành trò chơi cổ nhơn.
* Dân gian mà trí tuệ

Trò chơi cổ nhơn bắt đầu khi người cầm tịch (Ban tổ chức) ra bốn câu thai (câu thai gồm 4 câu thể lục bát hoặc thất ngôn tứ tuyệt) vịnh về một trong 36 con trong bảng tịch. Câu thai được treo trên cây nêu trên có lá cờ hội. Người chơi dựa trên câu thai để luận ra con gì. Nội dung những câu thai rất rộng, bàn từ cổ chí kim, người ra thai phải thông sử sách, giỏi về chữ nghĩa… Người tham gia chơi cổ nhơn từ em bé đến cụ già, thanh niên, phụ nữ đều có lí của mình để bàn. Nhưng để bàn được, phải là người giỏi chữ nghĩa; để đánh được là người phải hiểu về thời cuộc, tâm lý… Trên bảng tịch 36 con, mỗi con có hai tên, tên thường gọi và tên tộc, người xổ thường dựa theo tên tộc để xổ. Người đánh tự chia ra bốn bộ hoặc vùng như: sơn, thủy… Trong 36 con thì con Chí cao (con trùn) được coi là ông tổ cổ nhơn, thường nhà cái không xổ con này.

Trước kia, sau khi xổ, người cầm tịch phải đưa ra cái lí, cách luận của mình. Nếu ai có cách giải hay hơn thì được thưởng. Không giống như xổ số, người đánh trúng không phải đỏ đen, may mắn mà là người luận có lý nên trước khi đánh cổ nhơn người chơi bàn rất kỹ, người bán tịch thường là người biết bàn, luận về thai sao cho có lý để thu hút người chơi. Cuộc chơi là cuộc đấu trí, thi tài giữa người chơi và người cầm tịch nhưng không phải là thi tài cao thấp mà kiểu kẻ giỏi trốn người giỏi tìm. Có thể lấy một ví dụ câu thai: Việt Nam con cháu Lạc Hồng/Ngàn năm rạng rỡ chiến công lưu truyền/Bảy lăm thống nhất hai miền/Xây nền độc lập, yên vui mọi nhà.

Người chơi có thể luận từ "con cháu" là phước tôn (con chó), hoặc hiệp hải (con ếch) hai miền thống nhất… Người cầm tịch luận ra: phùng xuân (con Công). Phùng xuân là trùng phùng mùa xuân 75, mùa xuân với chiến công vĩ đại của dân tộc thống nhất đất nước…

* Vui chơi có thưởng

Ai đến Bồng Sơn từ ngày 30 Tết đều nhận ra một không khí sôi nổi và vui vẻ từ những bảng tịch dọc đường. Có khoảng trên một trăm người tham gia bán cổ nhơn trên khắp phố. Từ những quán café, bàn nhậu; từ những đám trẻ, những chị đi chợ xuân; từ những giấc mơ trong cơn ngủ đến cả lời chúc đầu năm… đâu đâu cũng nghe luận bàn về cổ nhơn, không khí càng vui vẻ hơn khi có người nào đó bàn hay, chí lí, "gãy" nghĩa. Từ trẻ em đến người lớn, tụ tập quây quần ít muốn đi xa, chỉ muốn ngồi bàn cho ra lẽ. Đánh cổ nhơn trúng không chỉ vui vì được thưởng (1 thưởng 25) mà còn tự hào vì trước đám đông mình là người luận đúng.

Anh Trí, một người rất đam mê cổ nhơn cho biết: "Nếu Tết không có cổ nhơn thì không ra ngày Tết, ở đây quen rồi, nó là món ăn tinh thần của người dân nơi đây". Ai cũng có cảm nhận như vậy, không có cổ nhơn hình thư thiếu một cái gì đó cho một cái Tết cổ truyền. Mỗi lần hạ nêu, người trúng reo lên; người không trúng trầm ngâm suy nghĩ và luận tiếp vì sao như vậy…

Hội xổ cổ nhơn là những người lớn tuổi am hiểu về luật chơi đóng góp cổ phần. Doanh thu một lần xổ khoảng 100 triệu đồng với hơn 4.000 lượt người tham gia. Với số tiền lớn như vậy thì việc ăn thua ảnh hưởng rất lớn đến cái hay, vẻ đẹp của giá trị văn hóa này. Nhiều lúc người cầm tịch xổ con gì không liên quan đến thai, nghĩa là ít người đánh nhất để xổ hoặc không cắt nghĩa công khai trước công chúng. Người ra thai, người xổ và người giải đáp là ba người khác nhau trong hội nên đề ra chưa thuyết phục người chơi. Việc thắng thua cũng ăn sâu vào người chơi, nhiều người đánh xong rồi mới luận thai…. Nhiều người rất bực bội nhưng bảo không luận thì không thể.

Cổ nhơn kết thúc vào mùng 5 Tết, mỗi người có một cảm xúc khác nhau vui, tiếc… nhưng đó chính là dư âm của những ngày Tết vui nhộn, tạo niềm phấn chấn cho một năm mới.

D.B

Wednesday, February 09, 2005

Trên đường xuân quê hương

Đúng 23 giờ 30 phút, những chùm pháo hoa lộng lẫy bừng nở trên không trung. Tiếng trống khai xuân rộn rã đã vang lên trong niềm hạnh phúc bất chợt vỡ òa ra bằng những tiếng ồ lên phấn khởi. Người ta như thấy được nhịp giao mùa đã hữu hình trong ánh mắt chan chứa nhìn nhau.

Trong vòng tuần hoàn bất tận của trời đất, khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng trong tâm cảm mỗi người. Đó là lúc người ta đối diện với chính mình, suy ngẫm về một năm đã qua. Là lúc mà qua nén nhang thơm hiện tại được trò chuyện cùng quá khứ và gieo niềm ước vọng về tương lai.
Ở Phù Cát, mới 17 giờ chiều rất nhiều bạn trẻ đã tập trung xung quanh công viên hồ sinh thái của huyện để chờ xem những chương trình ca nhạc và khu trò chơi dân gian. Thanh niên thì đổ về các điểm vui chơi, những người lớn tuổi hơn thì càng cận giao thừa lại càng xuất hiện nhiều ở các chùa Tịnh Độ, Tịnh An, Long Hòa, Chi Hội… để hái lộc, và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Gọi là "đi hái lộc" nhưng nhờ được nhà chùa lưu ý trước, khách vãn cảnh chùa chỉ đến chùa để tìm cầu mong sự an lành chứ rất ít bẻ cành hái hoa.

Tại Phù Mỹ, sáng 30 Tết, khác với mọi năm tiết trời oi nồng, nhưng đến những thời khắc cuối cùng của năm cũ trời đột nhiên se se lạnh. Vườn hoa thị trấn xinh tươi hơn, nam thanh nữ tú dập dìu nhiều hơn. Người ta đi để nhìn ngắm hoa và cũng để nhìn ngắm nhau. Người người trên đường như hân hoan hơn, mọi âu lo dường như đã được để lại cùng năm cũ. Một năm cũ với bao bộn bề đã trôi qua và nét rạng rỡ trên những gương mặt người như báo trước một năm mới tràn đầy hy vọng. Tết này Phù Mỹ sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui xuân như: chương trình ca nhạc tại nhà hát nhân dân, giao lưu tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, đua thuyền, võ thuật, văn nghệ, hát bội...

Hòa chung không khí đón năm mới, tại thị trấn Vân Canh, Trung tâm VHTT huyện Vân Canh đã tổ chức hội diễn văn nghệ với chủ đề "Mừng Đảng Mừng Xuân". Tham gia biểu diễn văn nghệ có 11 thôn tại thị trấn Vân Canh với hơn 25 tiết mục văn nghệ bao gồm ca múa nhạc truyền thống, biểu diễn cồng chiêng, các làn điệu dân ca Chăm, Bana, Thái. Đồng thời huyện Vân Canh cũng tổ chức Hội Báo Xuân trưng bày hơn 100 đầu báo Xuân của tất cả các tờ báo, tạp chí trên toàn quốc để đồng bào, nhân dân có nhu cầu đến xem. Năm nay Vân Canh tổ chức Đêm giao thừa đoàn kết với sự tham gia của đồng bào Bana, Chăm H'roi và những người anh em Thái từ miền rừng núi phía Bắc vào đây xây dựng quê hương mới. Cùng lúc này tại bản làng xa Canh Lãnh, Canh Hòa, năm nay đồng bào cũng tổ chức ăn Tết chung bằng cách mổ 4 con heo, mỗi gia đình góp một ché rượu ghè để cùng nhau tổ chức đón giao thừa tại nhà rông của làng.

Nếu ở Vân Canh có hình thức đón giao thừa tập thể thì tại 54 làng thuộc 9 xã ở huyện An Lão đồng bào cùng nhau tập trung về nhà rông, cùng nhau ca hát, đón mừng năm mới. Tin điện của thông tín viên từ xã vùng cao An Toàn cho biết, đêm giao thừa khí trời ở đây buốt giá nhưng ánh lửa hồng bên cạnh nhà rông cùng những ché rượu ghè, tiếng nhạc, điệu nhảy đã sưởi ấm lòng tất cả mọi người. Theo sáng kiến của già làng Đinh Văn Lý, bà con tập trung về nhà rông đón Xuân và nhận lời chúc sức khỏe của người già. Tay trong tay, đại diện 106 hộ gia đình trong xã cùng đón chào năm mới. Ông Hoàng Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện An Lão - cho biết: "Ngoài chương trình tổ chức đón chào năm mới cho đồng bào như các xã khác, tại xã An Tân, An Hòa, An Trung, An Hưng sẽ tổ chức nhiều đợt chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào".
Sắp đến giờ giao thừa, không khí tại thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) đột nhiên có vẻ chùng xuống. Ánh điện chăng chăng trên cầu Bồng Sơn như rực rỡ hơn, phố huyện mỗi lúc một nhộn nhịp hơn, đông vui hơn… Nhưng khi ra đến rìa ngoài thị trấn không gian bỗng nhiên tĩnh lặng lại. Dường như Bồng Sơn đang soi lại mình, soát xét lại mình trước khi chào xuân mới. Một Bồng Sơn - thị xã đã dần dần lộ rõ dáng vóc, hình hài. Thị trấn như một cô gái nhắm mắt mơ màng một chút rồi nhoẻn miệng cười tươi. Xứ dừa lồng lộng đã vào xuân cùng chồi non lộc biếc… Nét đáng chú ý ở xứ này là những tập tục, giá trị truyền thống đáng yêu được giữ gìn hết sức chỉn chu. Ông Nguyễn Văn Sang, ở xã Hoài Hảo, chăm chút lọ hoa đặt lên bàn thờ tổ tiên, miệng liên tục hối thúc cậu con trai xách nước cho đầy lu rồi lấy cái nong đậy nắp giếng lại, ông cho biết: "Từ nhỏ tôi đã thấy cha tôi làm như thế, theo ông thì đầu năm không nên động đến giếng nước, phải để cho nó tinh khiết thì sang năm mới tốt đẹp…".

Ở huyện trung du Hoài Ân, càng gần đến giao thừa, ngoài đường càng vắng người qua lại. Nhà nhà thắp bóng điện trước hiên làm cho không khí như ấm lên giữa sương mù dày. Thỉnh thoảng, một chiếc xe máy mang biển số ở tỉnh khác lao vút trong màn đêm tĩnh lặng. Đó là những người đi làm ăn nơi xa, chủ yếu ở Sài Gòn, Gia Lai… tranh thủ về quê để kịp đón giao thừa cùng gia đình. Khi kim đồng hồ nhích dần đến thời khắc giao thừa cũng là lúc những chiếc ti vi bật lên để nghe chúc Tết, xem chương trình giao thừa. Ngoài đường râm ran tiếng chúc tụng nhau những điều tốt lành của những người đi hái lộc

Ở Tây Sơn, trước giờ giao thừa thanh niên nam nữ tập trung về thị trấn Phú Phong và khu vực cầu Kiên Mỹ mới để cùng đón những làn gió xuân đầu tiên từ sông Kôn lồng lộng ùa về. Năm qua đời sống kinh tế của dân Tây Sơn có khá hơn mọi năm nên không khí Tết có vẻ xôm tụ hơn nhưng giao thừa trên mảnh đất trung du này như mọi năm vẫn có vẻ tĩnh lặng hơn mọi nơi. Cái tính khí của người Tây Sơn vẫn vậy từ bao đời nay - Nồng hậu, cuồng nhiệt nhưng vẫn cuộn vào lòng mình trong dáng vẻ trầm mặc, an nhiên. Ràn rạt trong tiếng gió thổi qua những cánh đồng mía Tây Giang, Bình Tường, những ruộng rau Thuận Nghĩa, Tây Vinh sức xuân đang tuôn tràn trên đất đai, sông nước. Năm nay, Bảo tàng Quang Trung lại được đầu tư mở rộng mặt bằng khuôn viên thêm đủ chỗ để sẵn sàng đón người đến dâng hương lên ba Ngài. Giao thừa lại về trên đất thiêng.

Đã gần đến giao thừa nhưng trên những nẻo đường ở thị trấn Diêu Trì, phố huyện Tuy Phước, dòng người vẫn như bất tận. Khác với mọi năm, người Tuy Phước tập trung ở khu vực cầu Diêu Trì khá đông chỉ để làm mỗi một việc là ngắm cây cầu mới vừa được khánh thành cách đây ít lâu và cảm nhận không gian thoáng đãng trên sông Hà Thanh. Quả thật, cây cầu rực sáng ở ngay ngoại vi đã làm bộ mặt thị trấn như bề thế hơn. Năm nay người Tuy Phước đón Tết với tâm thức hết sức rộn ràng, những khu công nghiệp - TTCN tập trung đang hình thành của huyện sớm bộc lộ tác động tích cực, các khu dân cư mới ven sông Hà Thanh khiến diện mạo đô thị của thị trấn Tuy Phước bỗng nhiên hoành tráng hơn. Ở gần thành phố Quy Nhơn nên Tuy Phước đã cộng hưởng với sức xuân của đô thị tỉnh lỵ để làm nên vẻ đẹp của riêng mình.

Tại huyện An Nhơn, từ đầu giờ chiều, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào đón giao thừa đã được tổ chức rải rác tại thị trấn Bình Định và Đập Đá thu hút hàng ngàn người xem. Năm nay, huyện An Nhơn tổ chức thêm nhiều trò chơi dân gian như: trò chơi cổ nhơn đã được tổ chức từ ngày 26 tháng Chạp tại xã Nhơn Phong và thị trấn Bình Định. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: hát tuồng, hò đối đáp, thi đấu võ đài, chạy việt dã được tổ chức khắp nơi trong huyện… Đặc biệt bên cạnh việc giúp các hộ gia đình chính sách, người có công cách mạng, các hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết vui vẻ, UBND huyện An Nhơn đã trích ngân sách chi kịp thời để hỗ trợ cho các hộ gia đình có gia cầm bị tiêu hủy trong đợt dịch cúm vừa qua được đón Tết. Ông Tô Hồng Phương, Chánh văn phòng UBND huyện An Nhơn, cho biết: "Việc chuyển quà, tiền hỗ trợ gia cầm cho các hộ gia đình đã được ngành chức năng chuyển đến các hộ gia đình để kịp giúp người dân đón Tết. Chúng tôi cố gắng để tất cả các hộ gia đình trong huyện ai cũng được đón Tết vui vẻ!".
Tưởng như, bao nhiêu cái nao nức xuân ấp ủ nay đã dậy trên những con người tíu tít nói cười. Thay vì chỉ quan tâm đến những nhu yếu phẩm để dùng cho cả tháng giêng, hay những món ăn dùng trong dăm ba ngày Tết, người Quy Nhơn bây giờ lại quan tâm đến những cái có thể thưởng - ngoạn bằng mắt, bằng tai. Này là chậu mai, nụ đã khai vàng óng, nụ còm chúm chím đợi lúc xuân sang. Này là những vật dụng trang trí nhà cửa, hay những đĩa nhạc xuân cho nhộn thêm không khí Tết. Ta như uống được cái không khí xuân vào lòng mình. Khi lòng người nao nức thì không khí xuân cũng rộn ràng thêm vậy. Cái không khí ấy chạm ngõ vào tâm hồn, bỗng làm người ta nao nức lạ.

Khi kim đồng hồ nhích dần về phía giao thừa những làn gió đêm dường như cũng se sắt hơn. Giờ thì bạn đã thấy mùa xuân chưa? Bởi mùa xuân, cái hương vị đậm sắc màu xuân nhất chính là nằm trong cái giờ phút chờ đợi xuân này vậy. Tôi dừng lại thật lâu bên những cành mai rừng. Lạ thế! Đã từng trầm trồ trước không biết bao thế, dáng mai, vậy mà lòng vẫn có chút gì vương vấn với những nụ hoa mọc nơi thảo dã này. Cánh hoa màu hoàng kim, vươn trong gió xuân, nụ chen cùng lộc xuân xanh biếc, nó mang đến cho ta cái ý vị thật khác với những cành mai kết nụ từ trong sự chăm sóc, chăm bẵm của con người

… Cái lạnh cuối năm đã làm cho không gian chốn phường thị dẫu ồn ào tấp nập cũng trở nên dễ chịu, nhịp hối hả của những dòng người đổ về Quảng trường trước Trung tâm thương mại Quy Nhơn - nơi diễn ra Dạ hội "Mừng Đảng, Mừng Xuân" mỗi lúc một đông nghịt. 22 giờ, chương trình dạ hội đón xuân Ất Dậu 2005 khai mạc… Mặc dù còn khá lâu mới diễn ra chương trình bắn pháo hoa nhưng từ 22 giờ, hàng chục ngàn người dân Quy Nhơn và ở các huyện lân cận đã chờ sẵn quanh Quảng trường để được tận mắt chiêm ngưỡng những chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời xuân, dù chương trình này được Đài Truyền hình Bình Định truyền hình trực tiếp. Và đúng 23 giờ 30 phút, những chùm pháo hoa rực rỡ đã nở tung trên bầu trời Quy Nhơn trong tiếng hò reo của hàng vạn người đứng chật kín đường Nguyễn Tất Thành và các con đường xung quanh Quảng trường. Xuân đã về! Ngay trong màn pháo hoa rực rỡ, một đôi rồng dài hàng chục mét do các vận động viên của Sở TDTT Bình Định thể hiện chạy dọc theo đường Nguyễn Tất Thành, như biểu tượng của sự vươn lên của quê hương đất nước.
Đáng chú ý, năm nay chợ hoa xuân Quy Nhơn kết thúc khá sớm. Chỉ mới 22 giờ, hầu hết các điểm bán hoa trên đường Nguyễn Tất Thành đã dọn về do các chủ hoa chấp nhận hạ giá để nhanh "giải phóng" hoa hoặc nhiều chủ hoa đã đưa hoa về nhà chuẩn bị cho... Tết năm sau; trong khi mọi năm phải đến sau giao thừa, chợ hoa mới tan. Nhờ vậy, lực lượng công nhân vệ sinh cũng tranh thủ làm sạch thành phố để kịp đón giao thừa. Được biết trước đó, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng cho Công ty Môi trường Đô thị Quy Nhơn để "thưởng nóng" cho các công nhân vệ sinh - những người vất vả nhất trong đêm giao thừa.

Bước vội trên những con đường Quy Nhơn lúc này, dòng người vẫn khá tấp nập. Đây là lúc những bạn bè sau một năm xa cách nay có dịp gặp nhau, uống cốc cà phê để tạ từ năm cũ; là khi những đôi trai gái hò hẹn cùng đi đón gió xuân, chờ thưởng màn pháo hoa rợp trời và rồi sẽ trở về nhà xông đất sau giao thừa để đón xuân sang….

Từ trên đèo Quy Hòa nhìn về thành phố, Quy Nhơn đẹp và huyền ảo như một tấm thảm thần thoại. Tiếng sóng biển, dẫu cách xa là thế mà vẫn như vang vọng, ì ầm trong từng khuôn ngực. Mấy năm nay, nhiều bạn trẻ đã có thói quen đón giao thừa trên "nóc nhà thành phố". Khi những làn gió mát đầu tiên từ phía biển cuồn cuộn ùa về, bất giác khuôn ngực của những người trẻ tuổi bỗng vươn ra như những cánh buồm để đón gió biển khơi… Như một dòng sông cuồn cuộn, mùa xuân bắt đầu cho chu trình 365 ngày với biết bao ước mơ, hy vọng... Với dòng nhựa tuôn tràn của mình, người ta mỗi ngày một nâng tầm trách nhiệm của mình lên cùng với sự trỗi dậy của quê hương.

Ngoài kia, đã vang tiếng bước chân xuất hành cùng xuân mới Ất Dậu.

Nhóm thực hiện: Viết Thọ - Nguyễn Phúc - Công Tâm - Nguyễn Hân - Hải Yến - Quốc Việt - Lê Cường - Hoàng Chi - Thúc Giáp - Bá Phùng

Saturday, February 05, 2005

Hương vị Tết quê

Mùa Tết là mùa của các loại bánh mứt. Vào một ngày cuối năm, chúng tôi về Hoài Nhơn và cảm nhận được sự "biến mất" dần của các loại bánh mứt truyền thống.

* Bánh mứt "bình dân" ngày càng giảm

Khoảng ba, bốn năm về trước, đi dọc vùng ven thị trấn Bồng Sơn hay những xóm gần khu chợ Tam Quan (Hoài Nhơn) vào những ngày này, hương vị bánh mứt thơm nồng, ngào ngạt tỏa ra từ những ngôi nhà. Các loại mứt như: dừa, gừng, thập cẩm… được làm với số lượng lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho dân trong vùng mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Những ngày cao điểm hàng làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mỗi nhà lời 500.000 - 700.000đ/ngày là chuyện thường. Bà Hồ Thị Thu - một người làm mứt lâu năm ở thị trấn Bồng Sơn - cho biết: "Bây giờ, khách hàng có quá nhiều thứ để lựa chọn nên cũng chẳng còn mấy người muốn thưởng thức những món bình dân như mứt gừng, mứt dừa. Sản phẩm làm ra bán không chạy nên không còn nhiều nhà làm mứt Tết nữa. Bản thân tôi cũng chỉ làm một ít cho có hương vị Tết và đỡ nhớ nghề".

Hoài Nhơn còn có những món bánh mang đậm khẩu vị "quê mình". Các loại bánh đậu xanh, bánh in… không chỉ được bán trong vùng mà còn mang đi bán ở các vùng lân cận và vẫn tiêu thụ được. Riêng bánh đậu xanh thì có khi được đi xa hơn, vào Sài Gòn, Vũng Tàu…, theo người xa xứ ra tận nước ngoài. Ông Phan Thanh Phong, một người chuyên làm bánh đậu xanh ở thôn Tân Thành (Tam Quan Bắc) - cho biết: "Số lượng bánh đậu xanh làm ra vẫn không giảm so với mọi năm. Tháng cuối năm, mỗi ngày tôi làm khoảng chục ký đậu, nhưng vẫn không đủ bán". Bánh đậu xanh Tam Quan có chất lượng và hương vị rất riêng nên được nhiều người ưa chuộng, có những kiều bào đã nhờ người thân mua gởi sang, dùng làm quà biếu, như một đặc sản quê hương".

* Giữ hồn quê

Tuy mứt gừng, mứt dừa không còn được làm với số lượng lớn như trước, nhưng trong mỗi gia đình vẫn dành một góc nhỏ cho những loại mứt mang hương vị truyền thống này. Hoài Nhơn là xứ dừa mà 3 ngày Tết không có ít mứt dừa trong nhà cũng cảm thấy thiêu thiếu. Vì vậy, năm nào họ cũng cố gắng làm một ít, cũng là một cách để giữ hương vị quê. Ngoài việc không thể thiếu mứt dừa, còn có bánh đậu xanh được bọc trong giấy bóng đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Bánh in được xem là một loại lương khô, vì vậy, nhà nào cũng làm thật nhiều bánh để dành ăn dần. Đó là chuyện của mấy năm về trước, bây giờ các loại bánh "hiện đại" đã có mặt ở hầu hết mọi nhà - một tín hiệu đáng mừng vì cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn. Nhưng có thể nói rằng, mặc dù không còn là món bánh được đem ra mời trong 3 ngày Tết, nhưng bánh in, bánh đậu xanh vẫn giữ nguyên ý nghĩa tinh thần của nó. Có lẽ vì ai đi xa cũng muốn giữ bên mình một chút hồn quê.
Năm hết Tết đến, không khí xuân đã tràn đến mọi nẻo đường. Mặc dù không còn mang nhiều giá trị kinh tế nhưng dường như với cái hồn văn hóa của mình, mứt dừa, mứt gừng, bánh in, bánh đậu xanh… vẫn là những món không thể thiếu cho những ai còn muốn níu giữ một chút hương quê trong ngày Tết cổ truyền.

Mai Hồng