Thursday, September 02, 2004

Nhịp sống mới ở Hoài Nhơn

Những ngày tháng 9 đầy ắp lịch sử, chúng tôi về thăm lại Hoài Nhơn, mảnh đất anh hùng, là vùng căn cứ địa cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến, khởi đầu từ chi bộ Cửu Lợi, và thật tự hào trước sự đổi thay của mảnh đất này. Thị trấn Bồng Sơn, vốn được mệnh danh là "thủ phủ kháng chiến Nam Trung bộ" nay đã sôi động hẳn lên với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, người xe qua lại tấp nập…



* Đánh thức tiềm năng

Hoài Nhơn là một vùng đất có tiềm năng kinh tế với nhiều lĩnh vực như: nông - lâm - ngư - công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Người dân Hoài Nhơn có truyền thống yêu nước và cần cù lao động. Để tạo thế và lực thúc đẩy Hoài Nhơn phát triển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, lãnh đạo của huyện xác định: phải đánh thức và khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương. Để làm được điều này, từ năm 2000 đến nay huyện đã tranh thủ nghiên cứu đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như: điện chiếu sáng, đường giao thông, hồ thủy lợi, trạm y tế, trường học, nạo vét luồng với cảng cá, xây dựng đường giao thông, công trình cấp nước sạch… Hầu hết các công trình mới xây dựng, đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống và sản xuất cho người dân địa phương.

Trong sản xuất nông nghiệp, đến nay năng lực nước tưới tự chảy đạt 67% diện tích đất lúa, đưa năng suất lúa của huyện từ 33 tạ/ha vào năm 2000 lên 42 tạ/ha hiện nay. Các lĩnh vực kinh tế như thủy sản, công nghiệp, thương mại và dịch vụ đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ.

* Nhịp sống mới

Đi dọc theo các xã biển: Tam Quan Bắc, Hoài Hải, Hoài Hương… nhìn cuộc sống mới của người dân nơi đây, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Phát triển mạnh nhất của huyện Hoài Nhơn hôm nay phải kể đến ngành kinh tế mũi nhọn thủy sản với các ngành nghề như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và các dịch vụ hậu cần đang từng bước hoàn thiện, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện trên địa bàn huyện có 1.960 tàu thuyền đánh cá, với tổng công suất trên 103.400 CV, sản lượng khai thác khoảng 21.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá ngừ đại dương, mực, cá thu…

Lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã mang lại cho Hoài Nhơn một nguồn kinh tế khá lớn. Các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, với trên 2.500 ha rừng được giao khoán cho người dân quản lý; 552 ha rừng được khoanh nuôi, tái sinh; 398 ha rừng nguyên liệu giấy, đã mở ra hướng sản xuất kinh doanh mới giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện mấy năm gần đây cũng đã có bước phát triển khá, giá trị sản xuất hiện nay đạt trên 100 tỉ đồng/năm. Hoài Nhơn hôm nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới với hàng chục km đường trải nhựa, 132 km đường bê tông nông thôn tỏa đi khắp thôn xóm, làng quê. Điện đã về hầu hết các vùng nông thôn, phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho hơn 98% hộ dân trong huyện.

Ông Trần Bá Tích, chủ cửa hàng tạp hóa ở Tam Quan Bắc, khẳng định: "Chỉ cần dạo quanh một vòng các cơ sở kinh doanh ở đây cũng đủ thấy mức sống của người dân được nâng cao hơn trước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên từng ngày cả về số lượng lẫn chất lượng".

* Trong giấc mơ bay xa

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Xô - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - cho biết: "Đời sống của người dân trong huyện mấy năm qua đã có một bước đổi thay đáng kể, nhưng cả huyện cũng còn hơn 10% hộ nghèo. Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn quyết tâm phấn đấu vươn lên, tạo thêm nhiều thành quả mới trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhằm xóa nhanh hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Kế hoạch của huyện hiện nay là trung bình mỗi năm sẽ giảm được hơn 1,5% số hộ nghèo. Với tốc độ phát triển như hiện nay, nhiều người nhận định rằng, kế hoạch này sẽ thực hiện được và trong tương lai không xa Hoài Nhơn sẽ trở thành một trung tâm kinh tế mạnh của huyện. Nhận định này có cơ sở, bởi các dự án lớn đang được đầu tư xây dựng ở đây đang chuẩn bị hoàn thành và đưa vào hoạt động. Tuyến đường ven biển sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo Hoài Nhơn, nhờ vào việc giao thương kinh tế được thuận tiện và các hoạt động du lịch phát triển. Ông Lê Tấn Trì, một ngư dân ở xã Tam Quan Bắc, thổ lộ: "Hiện Nhà nước đang đầu tư nạo vét cảng cá Tam Quan, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu bè ra vào, để hoạt động khai thác hải sản của ngư dân chúng tôi được thuận lợi hơn. Bởi vậy, hiện nay tôi đang định vay thêm tiền để đầu tư đóng mới một chiếc tàu nữa…". Không riêng ông Trì, nhiều ngư dân Hoài Nhơn cũng chuẩn bị đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, để vươn ra khơi xa đánh bắt được nhiều cá. Đi cùng với đó, các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển theo.

Ông Nguyễn Chí Xô cho biết thêm: "Hiện nay, ngoài Công ty Cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn đang đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, một số cơ sở chế biến thủy sản có quy mô nhỏ cũng xây dựng dự án để mở rộng sản xuất. Bởi vậy, huyện đang tiến hành quy hoạch khu chế biến thủy sản tập trung để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các cơ sở này". Dự án xây dựng Nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu tại thị trấn Bồng Sơn, với công suất 10.000 tấn/năm dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm nay, là tín hiệu vui cho nông dân các xã nằm trong vùng nguyên liệu.

Thời gian đến và ở lại với Hoài Nhơn không lâu, nhưng vùng đất này đã để lại trong tôi nhiều điều thú vị. Đất Hoài Nhơn giàu tiềm năng, người Hoài Nhơn cần cù, sáng tạo, trên cái đà đã đạt được, tin rằng trong thời gian tới mảnh đất này sẽ có nhiều đổi thay phấn khởi hơn.

Ngọc Thái

0 Comments:

Post a Comment

<< Home