Saturday, February 07, 2004

Ngang qua Bồng Sơn

Gần ba mươi năm trước, lúc mới tiếp xúc với nền văn học cách mạng, tôi đã bị ám ảnh bởi mấy câu thơ này của Trần Mai Ninh: "Nắng bột chen dừa Tam Quan/ Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ". Qua cái nhìn của một anh lính Nam tiến, vùng đất ấy đã hiện lên với một vẻ đẹp dịu dàng bằng những câu thơ giàu gợi cảm.

Trần Mai Ninh là anh lính từ Bắc vào, hành quân cả ngàn cây số, đi qua bao nhiêu vùng quê dọc dài đất nước nhưng đến vùng đất Bình Định, những câu thơ mới tuôn ra như suối nguồn, như sóng xô ùa vỡ. Chỉ có vẻ đẹp dịu dàng, nên thơ như Tam Quan, như Bồng Sơn mới đủ sức lay động tâm hồn một người lính. Đó là khoảng lặng trong veo trước khi người lính - thi sĩ Trần Mai Ninh bước vào cuộc chiến chống Pháp ở vùng cực nam của Tổ quốc cách nay gần 60 năm. Bồng Sơn có gì mê hoặc mà chỉ một lần tạt ngang qua đã để lại dấu ấn trường tồn với thời gian đến thế?

Tôi không phải quê Bồng Sơn nhưng lại là người vẫn thường "tạt ngang" mỗi năm vài ba bận do duyên phận đời người. Bây giờ, sau gần ba mươi năm hòa bình, nhưng mỗi khi nhắc đến cái lần đầu tiên đặt chân về Nam sau 21 năm chia cắt, ông nhạc phụ tôi vẫn cứ tiếc nuối: "Lẽ ra nhà mình ở Bồng Sơn chứ không phải ở Hoài Ân như bây giờ". Tôi biết, ông cụ tiếc nuối không phải vì ở Bồng Sơn "giàu" hơn nên "ham" mà vì một lẽ khác. Vùng đất ấy dễ níu chân người lắm, dù là "níu" bằng một sợi dây neo của ký ức. Tôi xin được ghi lại một vài ký ức mà mình thu lượm được sau những lần "ngang qua" vùng đất nên thơ này.

Còn nhớ hồi tháng 6-2004, tôi đang dự Festival ở Huế thì bão số 2 ập vào miền Trung. Hoài Nhơn không phải là tâm bão nhưng lại là nơi bị thiệt hại rất nặng về người. Cả một chiếc thuyền đã bị sóng đánh úp, nhấn chìm luôn 5 ngư phủ xuống đáy biển sâu. Tang tóc như trùm lên các làng chài ven biển trong những ngày ấy. Tôi mang chút quà mọn của bạn đọc Báo Lao Động gửi tặng các gia đình nạn nhân với một lời kèm theo từ tòa soạn: "Phải gửi bài ngay trong ngày!". Từ Huế vào, hai giờ chiều tôi mới có mặt tại Bồng Sơn, phải mang tiền trao tận tay những gia đình có người thân bị tử nạn tận dưới vùng ven biển, lại phải viết bài đúng thời gian… Mới nghe qua "nhiệm vụ" như thế, đã quáng gà rồi. Tôi làm việc vội vã với anh Nguyễn Trung Hậu, Chủ tịch huyện, để biết sơ qua tình hình và không quên "kêu ca" với anh về những thúc bách của thời gian. Mới tiếp xúc lần đầu nhưng thật cảm động cho tôi về cái cách làm việc của những người lãnh đạo ở đây. Nhanh, gọn và dứt khoát, đó là phong cách mà các nhà báo cần ở những đối tượng mình tiếp xúc. Hoài Nhơn đã tạo "ấn tượng" cho tôi bằng những "tiêu chí" ấy. Bắt tay tạm biệt tôi, anh Hậu "biệt phái" một người "hoa tiêu". Trên đường đi, tôi mới biết là ông Phó chủ tịch huyện có tên Trần Hữu Hộ. Hóa ra anh Hộ cũng như anh Hậu, nghĩa là cũng "rẹt rẹt" về mặt số liệu chứ không "hỏi cái gì thì mở sổ cái đó" như nhiều nơi mà tôi vẫn thường gặp. Chúng tôi làm việc ngay trên xe nên vừa trao xong tiền cho các nạn nhân thì tôi cũng xong việc thu thập tư liệu về vùng bị bão. Tôi đã hoàn thành bài báo một cách chóng vánh, ngay đến tòa soạn cũng không ngờ. Làm báo, gặp được những người lãnh đạo nhanh nhẹn và nắm kỹ những việc mình cần như thế, thật quý biết bao. Nhắc lại những điều kể trên, tôi chẳng muốn "lấy lòng" gì các anh đâu (vì "lấy lòng" các anh thì được cái gì cho tôi kia chứ?) mà chỉ muốn gửi một lời tri ân đến những con người mới gặp lần đầu mà như đã tri âm tri kỷ.

Mới đây, tôi vào Hoài Nhơn và được biết rằng, tỉnh Bình Định đã đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh bão tại cảng cá Tam Quan mà vui lây với niềm vui của chủ nhân 420 chiếc tàu đánh cá tại vùng biển này. Vâng, nếu có một vũng neo đậu tàu thuyền như cảng cá Tam Quan thì chắc chắn rằng sẽ không có trường hợp tử nạn của 5 thuyền viên trong cơn bão số 2 mà tôi vừa kể. Cũng xin được nhắc lại rằng, chủ nhân của chiếc tàu ấy, anh Huỳnh Phương - khi nghe tin bão số 2 đã cho tàu vào Tam Quan nhưng không được nên phải vào Quy Nhơn và gặp nạn trên đường đi. Trong một buổi làm việc chớp nhoáng mới đây với anh Hậu, tôi thắc mắc: "Hoài Nhơn có 24km bờ biển, có hai cửa biển là An Dũ và Tam Quan, sao không xem đó như một thế mạnh?". Anh Hậu nói: "Dừa bây giờ đã "yếu", lúa cũng chẳng khá hơn, vươn ra biển vẫn là chủ ý của Hoài Nhơn đấy. Trong hai năm qua, Hoài Nhơn đã đóng mới 104 thuyền đánh cá, chủ yếu là tàu lớn, đánh bắt xa bờ". Nghe cũng có lý.

Hoài Nhơn hiện có 3.578 ha dừa, mỗi năm thu hoạch 22.833 tấn dừa, là nơi được xem là một trong hai vùng dừa lớn nhất nước, thế nhưng, cây dừa bây giờ chỉ còn có ý nghĩa trong câu ca dao từ thuở xa xôi chứ không cứu được người trồng ra nó. Cây lúa cũng thế. Cả một vùng quê rộng lớn như Hoài Nhơn mà chỉ có 15 công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho 69% diện tích canh tác, nghĩa là còn đến 31% diện tích đất với hàng ngàn ha phải ngửa cổ trông trời. Ai cũng biết, làm nông nghiệp mà phụ thuộc vào chuyện mưa nắng của trời như thế, cái nghèo sẽ luôn treo lơ lửng trên đầu người nông dân thôi. Thấy được cái yếu của việc luôn trông vào trời, mấy năm qua, Hoài Nhơn đã chuyển gần 500 ha lúa thiếu nước sang trồng cây khác, chuyển luôn 29 ha đất nhiễm mặn sang nuôi tôm. Chuyển những loại cây đã gắn với người nông dân từ ngàn đời nay sang trồng loại cây khác như thế là thay đổi cả một cách nhìn. Cũng như việc hướng ra biển bằng những con tàu lớn cũng là một cách nhìn thuận chiều với xu thế hiện nay. Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ, trong một cuộc hội thảo về chuyện trồng và nuôi cây -con gì hiện nay, đã nói rằng thế kỷ 21 là thế kỷ hướng ra biển. Hoài Nhơn, chắc là chưa nghe ông bộ trưởng này nói nhưng đã "nhìn" ra được con đường mà mình cần đi. Bởi, không thể nhìn con số như sau mà yên lòng được: Bình quân thu nhập đầu người của huyện là 3,5 triệu đồng/năm, nếu tính bằng dollar thì chỉ nhỉnh hơn 200 USD một chút, trong khi đó bình quân thu nhập của cả nước đã là 400 USD rồi. Chỉ có những chuyển dịch như thế, Hoài Nhơn mới dám đặt ra chỉ tiêu trong năm 2005 này, thu nhập đầu người phải đạt 5 triệu đồng/người/năm.

Là vùng đất thuần nông nên việc tìm lối thoát cho kinh tế đang ì ạch quả là chuyện không dễ dàng gì. Ngay như việc phải tận dụng thế mạnh về hai loại cây truyền thống của địa phương là dừa và điều cũng không hề đơn giản. Thực ra những sản phẩm từ dừa của Hoài Nhơn đã mang lại nguồn lợi cho người dân lâu nay, chỉ mang tính "ăn xổi" mà thôi. Phải đi thêm một bước nữa qua khâu chế biến các sản phẩm từ dừa thì mới "hít" được. Cả một vựa dừa rộng lớn như Hoài Nhơn nhưng chỉ có một HTX làm thảm dừa, nghĩa là chỉ sử dụng vỏ dừa, tất tật các thứ khác từ dừa đều được biến thành… củi! Chuyện này, những người lãnh đạo huyện cũng đã nhìn ra, song để thực hiện cho được những điều "nhìn ra" ấy là cả một vấn đề. Ở xa trung tâm tỉnh lỵ, Hoài Nhơn gần như một ốc đảo đối với các nhà đầu tư. Để có một nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa cho "ra ngô ra khoai" đòi hỏi một số tiền khổng lồ mà với vốn ngân sách chỉ dựa vào nông nghiệp là chính thì bản thân Hoài Nhơn không thể gồng mình được. Cũng như về tiềm năng du lịch, Hoài Nhơn đang có nhiều ưu thế. Những địa danh "mới nghe đã nhớ" như gành Diệu Quan, bán đảo Kim Giao, đèo Lộ Diêu với những ghềnh đá hoang sơ, những bãi cát vàng mát mắt, rất phù hợp cho du lịch biển, song để thu hút được du khách, cảnh đẹp không chưa đủ mà cần một cơ sở hạ tầng bài bản. Tôi được biết là tuyến đường ven biển từ Quy Nhơn xuyên ra Tam Quan đang được gấp rút hoàn thành. May ra chiếc "phao cứu sinh" này sẽ cứu những thắng cảnh nói trên khỏi bị chìm trong quên lãng.

Hoài Nhơn không chỉ có những thắng cảnh cùng những địa danh mà tiếng vang của nó đã vượt ra khỏi rừng dừa mà còn có nhiều di tích lịch sử, mang dấu ấn đậm nét về một thời kỳ cả dân tộc hành quân ra trận. Bồng Sơn từng là "Thủ đô kháng chiến" của khu vực Nam Trung Bộ những năm chống Pháp. Tại đây còn rất nhiều di tích liên quan đến các lãnh tụ như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh đã từng sống và làm việc trong những năm đầu kháng chiến.
Sẽ còn nhiều những tiềm năng nữa về vùng đất nên thơ này nhưng với một người mà mỗi năm chỉ "tạt ngang" vài ba bận như tôi không thể nào tường tận hết. Tiềm năng là của quý nhưng đánh thức nó mới là điều quý hơn. Dù còn phải đối mặt với bao khó khăn nhưng tôi vẫn tin màu xanh của rừng dừa Tam Quan rồi sẽ mãi xanh như câu ca dao đã từng thấm đẫm trong ký ức của bao người con Hoài Nhơn. Rừng dừa ấy còn xanh, là còn hy vọng.

Tôi lại chuẩn bị "tạt ngang" vùng đất ấy một lần cuối năm. Lại có thêm một chút ký ức làm hành trang cho đời mình, để mỗi lần thoáng nghe tiếng xào xạc của gió trời, lại nhớ đến biển dừa Tam Quan xanh đẫm, để nhớ về một màu "nắng bột" đã từng thức ngủ trong tôi qua câu thơ của một nhà thơ rất đỗi tài hoa có tên là Trần Mai Ninh.

Trần Đăng

0 Comments:

Post a Comment

<< Home